Sơ đồ tư duy được biết đến với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp con người ghi nhớ được nhiều hơn, lưu trữ thông tin và kích thích sự sáng tạo và tư duy khoa học. Vậy sơ đồ tư duy là gì? Các bước lập sơ đồ tư duy như thế nào? Hãy cùng Work Smart tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
1. Sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy (Mind Map) được ông Tony Buzan (sinh năm 1942 tại Luân Đôn) phát triển vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20. Đây là một phương pháp để sắp xếp, lưu trữ và xác định thông tin theo thứ tự ưu tiên bằng cách sử dụng hình ảnh và từ khóa chủ đạo. Mỗi từ khóa hoặc hình ảnh trong sơ đồ tư duy sẽ có vai trò kích hoạt những ký ức cụ thể của con người để làm nảy sinh các suy nghĩ và ý tưởng mới. Dựa vào sơ đồ tư duy, con người sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về một thông tin nào đó.
Cấu tạo của sơ đồ tư duy gồm:
Chủ đề chính
Các nhánh con
Từ khoá quan trọng
Hình ảnh gợi nhớ
Liên kết
Màu sắc, kích cỡ
2. Các bước vẽ bản đồ tư duy
Nguyên tắc vẽ sơ đồ tư duy
Xác định rõ ý chính
Ý chính là chủ thể đại diện cho chủ đề sẽ triển khai, là mốc khởi đầu cho sơ đồ. Thông thường, ý chính sẽ được đặt ở vị trí trung tâm.
Thêm các nhánh chính
Nhánh chính được nối từ hình ảnh trung tâm tới từ khóa chính liên quan đến chủ đề. Số lượng các nhánh không bị hạn chế.
Nên sử dụng các đường cong đậm và dày cho nhánh chính để làm nổi bật.
Mỗi nhánh trong sơ đồ tư duy có thể dùng hình khối, biểu tượng hay màu sắc khác nhau được chia theo các cấp độ. Điều này sẽ giúp phân biệt các nhánh dễ hơn và kích thích khả năng ghi nhớ.
Sử dụng từ khóa
Nguyên tắc không thể thiếu khi xây dựng sơ đồ tư duy là thêm từ khóa chính vào các nhánh. Từ khóa sẽ giúp người xem nắm được ý quan trọng và ghi nhớ lâu hơn.
Mỗi nhánh sử dụng một màu khác nhau
Màu sắc giúp đánh đấu, phân loại dữ liệu, phân tích và tổng hợp thông tin tốt hơn. Có thể hiểu tư duy não bộ chính là sự mã hóa của màu sắc nên sử dụng màu ở mỗi nhánh trong sơ đồ tư duy là điều cần thiết.
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh là yếu tố không thể thiếu khi vẽ sơ đồ tư duy và nó đã trở thành một nguyên tắc. So với những công cụ khác thì hình ảnh truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả nhất nên sẽ giúp não bộ xử lý và phân tích thông tin tốt hơn.
Cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp và sáng tạo
Bước 1: Vẽ chủ đề
Vẽ chủ đề ở trung tâm tờ giấy.
Dùng các hình ảnh và màu sắc để thể hiện chính xác chủ đề
Có thể bổ sung thêm từ ngữ minh họa để làm nổi bật cho chủ đề.
Bước 2: Vẽ nhánh chính (tiêu đề phụ)
Nhánh chính chứa từ khóa và ý tưởng liên quan trực tiếp đến chủ đề. Nhánh chính thường được vẽ theo góc chéo, tỏa đều ra nhiều hướng khác nhau.
Hệ thống từ khóa trên nhánh chính cần ngắn gọn, bao quát nội dung đề tài.
Vẽ thêm hình ảnh minh họa để sơ đồ tư duy sinh động hơn.
Bước 3: Vẽ nhánh thứ cấp
Nhánh thứ cấp bắt nguồn từ nhánh chính, có vai trò giải thích và bổ sung nội dung cho nhánh chính.
Số lượng nhánh thứ cấp không bị giới hạn, chỉ cần cân đối với khổ giấy là được. Các nhánh sẽ xuất phát từ một điểm, mỗi nhánh từ một ý chính chia ra nên sử dụng cùng 01 màu.
Nhánh thứ cấp cũng cần có những từ khóa ngắn gọn. Vẽ hình ảnh và từ khóa trên từng đoạn gấp khúc riêng của nhánh và mỗi gấp khúc chỉ nên vẽ tối đa 01 từ khóa.
3. Các loại sơ đồ tư duy thông dụng
Sơ đồ vòng tròn (Circle Map)
Sơ đồ bong bóng (Bubble Map)
Sơ đồ bong bóng kép (Double Bubble Map)
Sơ đồ cây (Tree Map)
Sơ đồ luồng (Flow Map)
Sơ đồ đa luồng (Multi Flow)
Sơ đồ dấu ngoặc “{“ (Brace Map)
Sơ đồ cầu (Bridge Map)
4. Ứng dụng sơ đồ tư duy hiện nay
Được mệnh danh là công cụ vạn năng cho bộ não, trên thế giới đã có hơn 250 triệu người sử dụng sơ đồ tư duy. Loại sơ đồ này đã và đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục và kinh tế.
Nếu biết cách ứng dụng tốt sơ đồ tư duy vào trong cuộc sống bạn sẽ ghi nhớ, liên kết các ý tưởng và tạo ra kết nối với các ý khác dễ dàng hơn. Hy vọng những thông tin mà Work Smart chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm một cách hay để học tập và làm việc hiệu quả hơn.
Sưu tầm & Tổng hợp
コメント