Khi mà công nghệ hầu như phủ sóng rộng khắp các khía cạnh của đời sống, dẫn đến sự thay đổi, chuyển mình của các ngành nghề hiện tại. Cuộc cách mạng công nghệ diễn ra không chỉ đem lại nhiều mặt lợi ích, mà bên cạnh đó còn để lại vô số thách thức. Một số ngành nghề truyền thống đã bị thay thế hoàn toàn bởi công nghệ. Từ đó cũng đòi hỏi con người phát triển những kỹ năng liên quan.
Qua bài viết này, Work Smart sẽ thông tin đến bạn 10 kỹ năng nghề nghiệp cần trang bị trong lương lai. Cùng chúng mình tìm hiểu ngay bạn nhé!
Hiện nay cứ 10 công việc thì sẽ có 6 nghề sử dụng đến 30% công nghệ tự động trong các hoạt động. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là bạn phải làm gì để bản thân không bị đảo thải khỏi kỷ nguyên công nghệ này, và có thể tìm được những công việc tốt?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về công việc trong tương lai, có đề cập đến nhóm 4 loại kỹ năng cần thiết mà bản thân mỗi chúng ta nên trang bị để sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là:
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Tự quản lý bản thân
Hợp tác với mọi người
Sử dụng và phát triển công nghệ
Trong đó được phân ra làm 10 kỹ cụ thể như sau:
1. Tư duy phân tích và đổi mới (Analytical thinking & innovation)
Tư duy phân tích là khả năng suy nghĩ một cách mạch lạc để giải quyết vấn đề nhanh chóng nhất. Analytical Thinking cũng là một công cụ hữu hiệu cho học sinh, sinh viên chuyên ngành kinh tế. Bởi khi bạn thành thạo về kỹ năng này thì sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích số liệu, các hiện tượng kinh tế.
2. Học hỏi chủ động và có chiến lược (Active learning & learning strategies)
Dù là trong cuộc sống hay là trong công việc, tính chủ động luôn được đánh giá cao. Nó giúp con người học hỏi được nhiều hơn, luôn chủ động nắm bắt tình thế và dự phòng những rủi ro có thể xảy ra. Tính chủ động mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội hơn và đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp đầy cạnh tranh, một nhân viên luôn chủ động học hỏi và làm việc luôn được sếp đánh giá rất cao. Và nhờ đó mà cơ hội thăng tiến của họ cũng rõ ràng và rộng mở hơn, con đường đi đến thành công lại ngày một gần.
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp (Complex problem solving)
Đây là một trong số những kỹ năng thuộc nhóm Problem & Solving, kỹ năng là tập hợp của kỹ năng phân tích, nhìn nhận, đánh giá một vấn đề để có thể tự mình đưa ra các giải pháp và giải quyết được những khó khăn đang gặp phải, hoặc ít nhất có thể giảm thiểu được các hậu quả mà vấn đề đó gây ra.
Kỹ năng giải quyết vấn đề là một kỹ năng mềm có tầm quan trọng rất cao trong số những kỹ bộ năng cần thiết cho nhân công ngày nay. Theo báo cáo trên, trong năm 2020, có tới 36% việc làm sẽ đòi hỏi ứng viên buộc phải có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp!
4. Tư duy phản biện & phân tích (Critical thinking & analysis)
Theo Charles Wilson, Tư duy phân tích (critical thinking) là một chuỗi các kỹ năng giải quyết vấn đề và phản biện vấn đề, sẽ giúp cho những người làm việc trong các doanh nghiệp tự chủ tốt hơn những kỳ vọng của mình, xoay sở tốt hơn trong nhiều tình huống của một sự việc, tự tin hơn khi tham gia thảo luận một vấn đề và cảm thấy vui vẻ hơn trong công việc.
Bên cạnh định nghĩa này, Báo cáo Tương lai của các nghề nghiệp năm 2018 trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới định nghĩa về kỹ năng này như sau: “Sử dụng logic và lập luận để nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của các giải pháp, kết luận và cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề.”
Nhìn chung, chưa thực sự có một định nghĩa chung và thống nhất nào về tư duy phản biện. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa đang tồn tại về tư duy phản biện đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự rõ ràng và khả năng lập luận.
Với việc số hóa đang len lỏi đến từng ngóc ngách trong doanh nghiệp, nhu cầu về nhân sự có khả năng lý luận và tư duy logic cùng từ đó tăng lên. Lý giải cho điều này, WEF khẳng định việc máy móc vẫn phải được vận hành và tối ưu bởi con người. Doanh nghiệp khao khát những cá nhân có tư duy phản biện tốt để sử dụng hiệu quả nguồn lực công nghệ, tránh lạm dụng chúng làm ảnh hưởng xấu đến vấn đề vận hành trong doanh nghiệp.
5. Sáng tạo, tự xây dựng ý tưởng phát kiến (Creativity, originality and initiative)
Tư duy sáng tạo là khả năng vận dụng những kiến thức sẵn có, tìm tòi và học hỏi những kiến thức mới để tạo ra những suy nghĩ, dẫn đến hành vi và cho ra đời những sản phẩm tinh thần hay vật chất có giá trị, mức độ hiệu quả và khả năng tối ưu cao hơn cái ban đầu.
Trong công việc, suy nghĩ sáng tạo giúp bạn đưa ra những ý tưởng, sáng kiến mới nhằm thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp và hạn chế được những rủi ro hoặc giảm bớt chi phí sản xuất. Điều này sẽ là lợi thế trong con đường sự nghiệp và thăng tiến của bạn. Chính nhờ có sáng tạo trong ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp mới có thể phát triển ra những sản phẩm và dịch vụ mới, phục vụ cho nhu cầu đang không ngừng biến đổi của thị trường.
6. Kỹ năng lãnh đạo & tầm ảnh hưởng xã hội (Leadership & social influence)
Hạng mục kỹ năng này dành cho những cá nhân đang tham vọng nắm giữ các vị trí quản lý trong tương lai. Khi máy móc lên ngôi, nguồn lực những tài năng ưu tú sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong các hoạt động của doanh nghiệp hay tổ chức. Do đó, kỹ năng lãnh đạo, với bản chất là việc khai thác tốt nguồn lực con người để phục vụ phát triển doanh nghiệp và xã hội, sẽ là một kỹ năng quan trọng mà một cá nhân với mindset nhà quản lý cần phải trau dồi.
7. Sử dụng, quản lý và kiểm soát công nghệ (Technology use, monitoring and control)
Kỹ năng công nghệ là năng lực sử dụng thông thạo công nghệ giúp công việc được vận hành dễ dàng và thuận tiện. Kỹ năng công nghệ giúp ích cho các lĩnh vực sau: ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành phổ biến, sử dụng thành thạo các phần mềm, ghi chép công nghệ, quản lý dự án và phân tích dữ liệu v.v..
Không chỉ cần thiết trong công việc kỹ thuật, công nghệ thông tin mà kỹ năng công nghệ được yêu cầu ở hầu hết các ngành nghề, dù là bất kể lĩnh vực nào cũng đều vận dụng các công cụ phần mềm và chương trình khác nhau. Bởi vậy, nếu bạn sở hữu kỹ năng công nghệ kèm theo các kỹ năng chuyên môn thì bạn chắc chắn là ứng viên thích hợp cho vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
8. Thiết kế và lập trình công nghệ (Technology design and programming)
Để làm ra một phần mềm, điều quan trọng là phải có người thiết kế & lập trình. Đây là kỹ năng có yếu tố tiên quyết trong kỷ nguyên số, tuy nhiên nó thuộc về kỹ năng chuyên môn, đòi hỏi người lập trình phải trải qua trường lớp đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, đòi hỏi ở lập trình viên sự sáng tạo cũng như các kỹ năng đánh giá, phân tích yêu cầu của dự án, đưa ra các giải pháp thiết kế hoặc cách tiếp cận công nghệ mới khi gặp những framework thiết kế chưa kỹ hoặc công nghệ thay đổi.
9. Bền bỉ – Chịu áp lực tốt – Linh hoạt (Resilence, stress tolerance and flexibility)
Áp lực công việc xuất hiện khi chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề căng thẳng hoặc cấp bách cần xử lý gấp trong cùng khoảng thời gian ngắn.
Khả năng chịu áp lực công việc muốn đề cập đến năng lực ứng phó khi áp lực công việc xuất hiện. Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực giải quyết như thiếu thời gian, thiếu nhân sự hỗ trợ… thì đòi hỏi ở bạn tính bền bỉ để vượt qua và tư duy linh hoạt để ứng phó kịp thời với mọi tình huống.
Người có khả năng chịu áp lực công việc tốt luôn sở hữu kỹ năng:
Quản lý thời gian hiệu quả
Linh hoạt đàm phán với các bên liên quan
Lên kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết tất cả công việc…
10. Lập luận, giải quyết vấn đề, và tạo ra ý tưởng mới (Reasoning, problem-solving, and ideation)
Kỹ năng này đang dần trở thành yếu tố cốt lõi mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên, bởi sự ra đời của hàng loạt các công việc, có thể sẽ đòi hỏi một cá nhân phải xử lý hàng loạt tác vụ tại cùng một thời điểm. Hẳn nhiên, họ cần những cá nhân có thể xử lý, phân tích và đưa ra những quyết định “thay đổi cuộc chơi”.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã nắm bắt được 10 kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, bạn hãy dành thời gian để rèn luyện & trau dồi để trở thành những ứng viên “sáng giá” trong tương lai nhé!
Nguồn tham khảo: Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
Comentarios