top of page
Ảnh của tác giảHRD

Học ít - nhớ lâu với "Kim tự tháp học tập"

Phương pháp học chủ động là một trong những phương pháp kích thích sự vận động thường xuyên của não bộ, giúp tăng khả năng tiếp nhận thông tin và ghi nhớ sâu hơn về những gì đã học. Có thể đã từng nghe qua, nhưng liệu bạn đã biết cách vận dụng phương pháp này hiệu quả hay chưa? Hãy dành ra 5 phút cùng WorkSmart tìm hiểu nhé!

Đã bao giờ bạn cảm thấy rằng mỗi ngày mình dành rất nhiều thời gian để học, nhưng chỉ sau đó vài ngày lại quên “sạch sẽ” mọi thứ hay không? Đặc biệt là khi học từ vựng, bạn thường cố nhồi nhét nhiều nhất có thể, tuy nhiên khi cần áp dụng vào thực tiễn, bạn lại chẳng thể hình dung được từ ấy là gì.

Theo nghiên cứu của nhà giáo dục Edgar Dal, não bộ con người không được thiết kế để ghi nhớ tất cả những gì nó thu nhận được. Đó là vì chúng ta đều mắc chung một lỗi khiến việc học kéo dài đến hàng giờ, nhưng lại không nhận được hiệu quả. Lỗi sai ấy được gọi tên là “học bị động”.

1. Học bị động là gì?


Theo mô hình “Kim tự tháp học tập” được Viện Nghiên cứu Giáo Dục Mỹ - NTL Institute tại Maine vận dụng từ thập niên 1960, chỉ ra rằng các phương pháp học tập bị động hiện tại mà hầu hết chúng ta vẫn đang sử dụng đó là chỉ Đọc, chỉ Nghe, hoặc chỉ Nhìn.

Các phương pháp học bị động, bao gồm

  • Học qua việc nghe các bài giảng từ thầy/ cô (khả năng ghi nhớ 5%)

  • Học qua việc đọc sách báo, tin tức (khả năng ghi nhớ 10%)

  • Học qua việc xem video, nghe podcast/ audio (khả năng ghi nhớ 20%)

  • Học qua sự chỉ dẫn, minh họa trực tiếp từ người khác (khả năng ghi nhớ 30%)

​Điều này vô hình trung gây ra sự thiếu tương tác giữa người học với kiến thức, do đó nó chỉ tồn tại trong não chúng ta trong một thời gian ngắn (khả năng ghi nhớ chỉ dao động từ 5 - 30%), sau đó hoàn toàn biến mất, hay chỉ có thể nhớ khi ôn lại.

Cũng giống như khi học ngoại ngữ, nếu chỉ nhìn những từ vựng và ngữ pháp đã highlight trong bài, rồi đọc đi đọc lại trong vài giờ đồng hồ, thì chắc hẳn chỉ sau 3 - 4 ngày bạn sẽ không còn nhớ gì nữa.

Vậy có cách nào để “khắc cốt ghi tâm” những gì chúng ta đã học hay không? Câu trả lời là có, và cách làm đó chính là thay đổi phương pháp học tập từ bị động sang chủ động.

2. Học chủ động là gì?


Học chủ động là khi người học có sự tương tác trực tiếp với kiến thức thông qua việc kết hợp giữa học và thực hành. Nói một cách cụ thể hơn, học chủ động chính là việc bạn vận dụng những gì đã học vào thực tiễn bằng cách thảo luận nhóm, giảng giải cho người khác v.v…

Các phương pháp học chủ động, bao gồm:

  • Học qua việc thảo luận nhóm (khả năng ghi nhớ 50%

  • Học qua việc vận dụng kiến thức sách vở vào thực tế (khả năng ghi nhớ 70%)

  • Học qua việc giảng giải cho người khác về những kiến thức đã tích lũy (khả năng ghi nhớ 90%)

3. Làm thế nào để học ít mà vẫn nhớ lâu?


Muốn ghi nhớ sâu những kiến thức đã học, bạn nên thay đổi phương pháp học bằng việc áp dụng phương pháp học tập chủ động, như đã nói ở trên, để vận dụng phương pháp này bạn cần sự kết hợp linh hoạt giữa các giác quan, thay vì chỉ dùng một.

Chẳng hạn như, khi bạn học được một công thức toán học mới, thay vì chỉ nghe giảng từ thầy cô, hoặc bạn bè thì khả năng ghi nhớ lúc này chỉ đạt từ 5-30%. Để tỷ lệ ghi nhớ tăng lên, bạn cần kết hợp giữa việc lắng nghe, ghi chú lại công thức, áp dụng ngay vào giải bài tập để đạt được 70% khả năng ghi nhớ. Nếu muốn tối đa tỷ lệ này, bạn có thể giảng giải cho bạn bè mình theo cách mà bản thân đã hiểu.

Đây là một trong những phương pháp vô cùng hữu ích khi bạn học thêm một kiến thức mới, một ngôn ngữ mới, hay bất kỳ điều gì mới. Hãy thay đổi tư duy của bản thân, thay vì chỉ tiếp cận tri thức từ một chiều, bạn nên chủ động tương tác trực tiếp với những gì đã học.

Qua đó bạn không chỉ nhớ lâu mà còn “khắc cốt ghi tâm” các kiến thức ấy, đương nhiên biết thêm một điều mới mỗi ngày là một cách làm giàu vẻ đẹp tri thức bên trong bạn. Tuy nhiên, đừng dừng lại ở “biết” không thôi, mà bạn hãy “thấu” để nó tồn tại bền vững bạn nhé!

Kim tự tháp học tập
Nguồn Internet

Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về một phương pháp học mới. Từ đây bạn có thể thử vận dụng phương pháp này khi học để tránh mất hàng giờ ngồi vào bàn học, nhưng sau đó lại không đạt hiệu quả.

Ngoài phương pháp học chủ động theo “Kim tự tháp học tập” mà Work Smart đã giới thiệu đến bạn trong bài viết hôm nay, thì còn vô số phương pháp học khác, vì vậy bạn hãy lựa chọn phương pháp phù hợp với mình để đạt được kết quả hoàn hảo nhất nhé.

Đừng quên đồng hành cùng chúng mình trong những bài viết tiếp theo, vì Work Smart sẽ gửi đến bạn những kiến thức hay và nhiều thông tin hữu ích khác. Chúc bạn thành công!

494 lượt xem0 bình luận

コメント


コメント機能がオフになっています。
bottom of page