top of page

3 KỸ NĂNG MỀM BẠN NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ TRƯỚC 25 TUỔI

Đã cập nhật: 7 thg 4, 2022

Trong bài viết hôm nay, WorkSmart sẽ gợi ý cho bạn 3 kỹ năng mềm vô cùng quan trọng trong mọi phương diện. Nếu bạn quan sát kỹ, thì 3 kỹ năng này đang có chung một sợi dây liên kết, và móc nối lại tạo thành nền tảng cho trí tuệ . Bạn hãy lưu lại và tìm hiểu thật sâu về những kỹ năng này nhé!

1. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong trường hợp, bạn gặp một vấn đề nào đó, trước tiên bạn cần xác định rõ bản chất của vấn đề là gì. Đánh giá xem vấn đề này nằm ở mức độ quan trọng nào, và căn cứ vào thực tế xem xét liệu bạn có đủ năng lực để giải quyết vấn đề ấy hay không.

Nếu bạn đã nhìn nhận đủ sâu các mặt của vấn đề, tiếp theo bạn nên nhìn vào mục tiêu đã định và tính toán xem bạn sẽ được gì và mất gì sau khi giải quyết hoàn tất vấn đề này. Tùy vào mục tiêu, vấn đề mà bạn nên cân nhắc chi phí cơ hội để từ bỏ một vấn đề mãi không tìm được lời giải đáp hoặc quyết tâm giải quyết cho đến cùng.

Cốt lõi của vấn đề chính là nằm ở bản chất, bạn phải thực sự thấu hiểu đúng thì mới có thể giải quyết chúng một cách thấu đáo và triệt để. Và hãy luôn nhớ rằng, cách giải quyết không chỉ có một, bạn hãy đặt ra thật nhiều phương án và chọn lọc ra đâu mới là giải pháp hữu hiệu nhất.

2. Kỹ năng tư duy linh hoạt

Kỹ năng tư duy linh hoạt là khả năng nhìn nhận, đánh giá cùng một vấn đề đặt tại một loạt bối cảnh khác nhau. Kỹ năng này lại càng cần thiết hơn, khi tất cả chúng ta đều đang sống giữa thời đại biến đổi không ngừng. Chính vì thế, bạn cũng cần liên tục thay đổi để thích nghi với thế giới.

Để có thể phát triển tư duy linh hoạt, bạn không nên giới hạn vòng tròn tri thức của mình vào một khuôn khổ. Quan trọng nhất, hãy đặt mình vào trạng thái chủ động, sẵn sàng đón nhận những tư tưởng mới, dù cho đó là những điều bạn từng cho là trái ngược với quan điểm bản thân. Thay vì vậy, hãy liên tục đặt ra câu hỏi “Tại sao?” và tìm kiếm lời giải đáp cho chính mình.

Một điều cần thiết giúp bạn có được một tư duy đa chiều, xuất phát từ việc thay đổi thói quen sống, và loại bỏ đi thứ đang chi phối cuộc sống của bạn - chính là điện thoại di động. Có lẽ, bạn đã hiểu sai về giá trị của Công nghệ. Công nghệ được sinh ra để tối ưu hóa cuộc sống của con người, chứ không phải nhấn chìm tư duy, sự sáng tạo và đánh cắp thời gian của chúng ta. Hãy sử dụng chúng như một công cụ đem lại thật nhiều lợi ích bạn nhé!

Tư duy linh hoạt giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn và hình thành cho não bộ khả năng chắt lọc những gì giá trị nhất. Sau cùng, chúng ta đúc kết chúng thành một công cụ tuyệt vời hỗ trợ cho quá trình ra quyết định.

3. Kỹ năng đánh giá và ra quyết định

Trước tiên, bạn hãy xem qua 7 bước quan trọng trong tiến trình ra quyết định:

1) Liệt kê những vấn đề cần quyết định

2) Liệt kê những tiêu chí quan trọng

3) Đánh trọng số cho những tiêu chí đó

4) Đưa ra nhiều lựa chọn / phương án thay thế

5) Đánh giá những lựa chọn đó dựa theo những tiêu chí đã chọn

6) Đưa ra quyết định dựa trên đánh giá đó

7) Tổng kết sau 1 thời gian

Có phải, 2 kỹ năng trên đã giải quyết cho bạn hầu hết các bước trong tiến trình phải không? Đó chính là sự liên kết mà WorkSmart đã đề cập ở đầu bài viết. Bạn chỉ còn lại 2 bước quan trọng cần phải thực hiện trong tiến trình này, đó là “Liệt kê các vấn đề” và “Tổng kết”.

Có thể xem chúng là phần mở bài và kết bài ăn điểm trong “bài văn” của bạn. Ở bước liệt kê, bạn hãy vận dụng tối ưu Kỹ năng giải quyết vấn đề, để xác định rõ bản chất của từng vấn đề bạn đang gặp phải. Sau khi chọn lọc và phải giữ lại những vấn đề cần thiết, bạn hãy hệ thống chúng vào một bảng liệt kê. Thực hiện 5 bước tiếp theo dựa trên Kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy linh hoạt, kết hợp với việc thu thập thêm kiến thức liên quan, bạn đã có thể tự tin đưa ra quyết định cuối cùng.

Vậy nếu bạn đã đưa ra quyết định tốt nhất rồi, thì tại sao phải tổng kết lại sau 1 thời gian? Tổng kết là cách duy nhất để bạn biết được quyết định mình lựa chọn dẫn tới kết quả tốt đẹp hay dạy cho mình bài học gì từ sự thất bại. Mấu chốt là để bạn rút ra bài học từ những sai lầm đó hoặc không quá tự mãn với thành quả đạt được. Từ đó, bạn rèn luyện được một tư duy nhạy bén hơn và có thể ứng phó với mọi thách thức trong tương lai.

Trước khi ra quyết định, bạn đã phải trải qua quá trình suy xét kỹ càng. Chính vì vậy, hãy tin tưởng vào bản thân và đừng mất thời gian do dự. Nhìn lại một chút, bạn đã đánh mất bao nhiêu cơ hội chỉ vì không thể đưa ra quyết định nhanh chóng hơn? Thay vì dằn co với nội tâm, bạn nên tận dụng thời cơ của mình để đem lại nhiều giá trị hơn.

Tại sao bạn cần phát triển những kỹ năng này trước 20 tuổi? Vì khi đó bạn chính là “tỷ phú” thời gian, để thời gian trôi đi không vô nghĩa; bạn nên học hỏi thật nhiều kỹ năng, kiến thức mới. Bởi, những gì bạn đã dày công tích luỹ, chắc chắn sẽ là nền tảng vững chắc góp phần không nhỏ vào thành công trong tương lai.

WorkSmart hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn thông tin hữu ích về 3 kỹ năng mềm bạn nhất định phải có trước 20 tuổi. Đừng quên đồng hành cùng WorkSmart trong những bài viết sắp tới. Thân ái!

8 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page